0

Sổ đỏ ghi tên 1 người khi cấp đổi phải ghi tên 2 vợ chồng?

Sổ đỏ ghi tên 1 người khi cấp đổi phải ghi tên 2 vợ chồng?

Việc nắm rõ quy định Sổ đỏ ghi tên 1 người khi cấp đổi phải ghi tên 2 vợ chồng hay không sẽ giúp người dân giải đáp được một số vướng mắc và yên tâm hơn ngay cả khi cấp đổi mà không ghi cả tên vợ và chồng nếu đó là tài sản chung.

1. Khi nào được cấp đổi Sổ đỏ, Sổ hồng?

Căn cứ khoản 1 Điều 76 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và khoản 24 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:

(1) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10/12/2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Nghĩa là có nhu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận được cấp theo mẫu cũ sang mẫu mới (mẫu mới bìa có màu hồng cánh sen).

(2) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị nhòe, ố, rách, hư hỏng.

(3) Do đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất.

(4) Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.

2. Khi cấp đổi phải ghi tên 2 vợ chồng?

Dù quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ chồng thì hiện nay cũng không có văn bản nào bắt buộc khi cấp đổi Giấy chứng nhận phải ghi đầy đủ họ, tên vợ và họ, tên chồng.

Tuy không có quy định bắt buộc nhưng Nhà nước vẫn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để Giấy chứng nhận sau khi cấp đổi ghi cả tên vợ và chồng.

Quy định này được nêu rõ trong Công văn 3362/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 18/6/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Công văn này nêu rõ như sau:

“Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấp mới hoặc cấp đổi Giấy chứng nhận… mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc chồng để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu theo quy định của pháp luật về đất đai…”.

Sau khi ghi cả tên vợ và chồng thì thông tin tại trang 1 của Giấy chứng nhận được thể hiện như sau:

“I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Ông: (họ và tên chồng)

Năm sinh: (năm), CMND số:… hoặc CCCD số:…

Địa chỉ thường trú: (ghi đầy đủ thông tin địa chỉ thường trú).

Bà: (họ và tên vợ)

Năm sinh: (năm), CMND số:… hoặc CCCD số:…

Địa chỉ thường trú: (ghi đầy đủ thông tin địa chỉ thường trú).”.

Tóm lại, khi cấp đổi Giấy chứng nhận không bắt buộc phải ghi cả tên vợ và chồng mà chỉ khuyến khích.

Việc khuyến khích này nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ, tránh các khiếu kiện, khiếu nại khi giải quyết các tranh chấp về đất đai, từng bước tạo điều kiện để người phụ nữ được chủ động tham gia các hoạt động về kinh tế,… 

so do ghi ten 1 nguoi khi cap doi phai ghi ten 2 vo chong

3. Không ghi tên 2 vợ chồng vẫn là tài sản chung

Việc vợ hoặc chồng đứng tên trong Sổ đỏ, Sổ hồng không đồng nghĩa nghĩa là 100% trường hợp quyền sử dụng đất, nhà ở đó là tài sản riêng.

Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP, nhà đất thuộc những trường hợp sau đây được xác định là tài sản chung của vợ chồng:

Quyền sử dụng đất

Nhà ở

(1) Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thông qua các hình thức như:

– Đất được Nhà nước giao cho vợ chồng.

– Được Nhà nước cho thuê đất (tiền thuê là tài sản chung).

– Đất nhận chuyển nhượng (tiền dùng để mua tài sản chung, kể cả trường hợp chỉ dùng lương của vợ hoặc của chồng mua đất đó).

– Đất được thừa kế chung, tặng cho chung.

(2) Quyền sử dụng đất là tài sản riêng của vợ hoặc của chồng nhưng vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

(3) Quyền sử dụng đất có được bằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.

(1) Nhà ở được mua bằng tiền hoặc tài sản chung khác của vợ chồng.

(2) Nhà ở được tặng cho chung, thừa kế chung.

(3) Nhà ở có được bằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.

Trường hợp không có căn cứ để chứng minh nhà đất mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì nhà đất đó được xác định là tài sản chung.

Tóm lại, nếu thuộc những trường hợp trên thì cho dù Sổ đỏ, Sổ hồng chỉ ghi tên vợ hoặc tên chồng thì nhà đất đó vẫn là tài sản chung. Người không đứng tên trong Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn có quyền như người đứng tên; khi chuyển nhượng, tặng cho,… vẫn phải có sự đồng ý của người không đứng tên.

Trên đây là quy định giải đáp cho vướng mắc: Sổ đỏ ghi tên 1 người khi cấp đổi phải ghi tên 2 vợ chồng? Có thể thấy ai đứng tên không phải là căn cứ quyết định đó là tài sản chung hay tài sản riêng.

Nếu bạn đọc có vướng mắc về đất đai – nhà ở hãy gọi đến tổng đài tư vấn 1900.6192 của LuatVietnam.

Theo: LUẬT VIỆT NAM

Nguồn: https://luatvietnam.vn/dat-dai-nha-o/he-so-k-567-35087-article.html

Sàn rao vặt Nhà Đất Pleiku Hotline: 0948.444.444

Chia sẻ tin này cho bạn bè: