0

Đất không có Sổ đỏ phân chia thừa kế như thế nào?

Đất không có Sổ đỏ phân chia thừa kế như thế nào?

Quyền sử dụng đất là loại di sản thừa kế phổ biến và thông thường có trị giá lớn. Để biết đất không có Sổ đỏ chia thừa kế như thế nào hãy xem quy định được nêu trong bài viết sau đây.

 

1. Đất không có Sổ đỏ vẫn được chia thừa kế?

Thừa kế gồm 02 hình thức, đó là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật.

Trong đó, thừa kế theo di chúc bằng văn bản gồm có 04 loại: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có người làm chứng, di chúc bằng văn bản có công chứng, di chúc bằng bản có chứng thực.

Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, chỉ trong trường hợp người lập di chúc bằng văn bản có công chứng hoặc di chúc bằng văn bản có chứng thực mới bắt buộc phải có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng).

Nói cách khác, người đang sử dụng đất vẫn được lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng hoặc di chúc bằng văn bản có người làm chứng nhằm để lại thừa kế quyền sử dụng đất theo ý chí của mình.

Bên cạnh đó, người đang sử dụng đất khi chết nếu không có di chúc thì quyền sử dụng đất vẫn có thể được xác định là di sản thừa kế (vẫn được chia thừa kế ngay cả khi không có Sổ đỏ, Sổ hồng).

Việc đất không có Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn được xác định là di sản và được chia thừa kế là quy định rất hợp lý, đồng thời trên thực tiễn xảy ra rất phổ biến. Điều này khá dễ hiểu, bởi lẽ nếu chỉ vì không có Sổ đỏ, Sổ hồng mà không được chia thừa kế thì khi đó quyền sử dụng đất sẽ “vô chủ” hoặc thuộc về Nhà nước.

Xem chi tiếtĐất không có Sổ đỏ có được chia thừa kế không? 

Tóm lại, đất không có Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn được chia thừa kế, trừ trường hợp quyền sử dụng đất không hợp pháp.

2. Chia thừa kế nhà đất khi có di chúc

* Ai được thừa kế theo di chúc?

Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người thừa kế như sau:

(1) Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố chết) hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết (sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm người để lại di sản chết).

(2) Người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự còn quy định người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.”.

Theo đó, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên mà không có khả năng lao động của người lập di chúc sẽ được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật nếu không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc cho hưởng phần di sản nhưng ít hơn 2/3 suất thừa kế theo pháp luật.

Lưu ý: Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản.

* Chia thừa kế theo di chúc

Khoản 2 Điều 626 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người lập di chúc có quyền phân định phần di sản cho từng người thừa kế.

Nói cách khác, chia di sản thừa kế nói chung và di sản thừa kế là nhà đất nói riêng sẽ phụ thuộc vào nội dung của di chúc nếu di chúc hợp pháp; phần di sản thừa kế theo di chúc chỉ được chia lại khi có người hưởng di sản không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo quy định khoản 1 Điều 644 Bộ luật Dân sự 2015. 

dat khong co so do duoc chia thua ke nhu the nao

3. Chia thừa kế theo pháp luật (không có di chúc)

* Ai được hưởng thừa kế theo pháp luật

Điều 649, Điều 651 và Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người được hưởng thừa kế theo pháp luật gồm:

(1) Người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế.

– Diện thừa kế:

Là người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng (cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi và ngược lại,…) với người để lại di sản.

Mặc dù thuộc diện thừa kế nhưng không phải ai cũng được hưởng thừa kế, để được hưởng thừa kế phải đáp ứng thêm điều kiện về hàng thừa kế.

– Hàng thừa kế:

Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế như sau:

“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”.

Theo đó, những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

(2) Người thừa kế thế vị (thế vị trí để hưởng thừa kế)

Thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi thừa kế theo pháp luật (di chúc không có thừa kế thế vị). Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thừa kế thế vị như sau:

– Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống (cháu thế vị trí cha hoặc mẹ của cháu để hưởng thừa kế).

– Nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống (chắt thế vị trí cha hoặc mẹ của chắt để hưởng thừa kế).

* Chia thừa kế nhà đất theo pháp luật

– Hưởng suất thừa kế bằng nhau:

Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy, chỉ cần xác định chính xác số người thừa kế theo pháp luật thì phần di sản được hưởng sẽ được chia đều.

– Phân chia di sản thừa kế:

Khoản 2 Điều 660 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những người thừa kế có quyền yêu cầu phân chia di sản bằng hiện vật (đối với đất thì chia theo thửa hoặc theo diện tích);

Nếu không thể chia đều theo thửa hoặc theo diện tích thì những người thừa kế có thể thỏa thuận về việc định giá di sản thừa kế và thỏa thuận về người nhận đất – những người còn lại sẽ nhận tiền; nếu không thỏa thuận được thì chuyển nhượng để chia bằng tiền.

Thông thường người thừa kế sẽ chia theo thửa và thỏa thuận phần giá trị chênh lệch hoặc tách thửa để chia đều bằng đất.

Trên đây là bài viết trả lời cho câu hỏi: Đất không có Sổ đỏ chia thừa kế như thế nào? Nếu bạn đọc có vướng mắc hãy gọi đến tổng đài 1900.6192 để được tư vấn.

Theo: LUẬT VIỆT NAM

Nguồn: https://luatvietnam.vn/dat-dai-nha-o/dat-khong-co-so-do-phan-chia-thua-ke-nhu-the-nao-567-88957-article.html

Sàn rao vặt Nhà Đất Pleiku

Chia sẻ tin này cho bạn bè: